Trung tâm Dịch vụ Việc làm - Trường Đại học Trà Vinh được dự án V2work hỗ trợ phát triển, đồng tài trợ bởi Hội đồng chung Châu Âu (EU) trong chương trình Erasnus+, với hợp đồng số 586252-EPP-1-2017-1-ES-EPPKA2-CBHE-SP
227 Lượt xem

Quy định về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động. Sở Lao động – TBXH phổ biến chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ, cụ thể:

 

Khi xảy ra tai nạn lao động, ngoài việc hỗ trợ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động cho người lao động thì người sử dụng lao động còn có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc. Vậy, việc sắp xếp công việc mới cho người lao động được thực hiện như thế nào ?

  1. Điều kiện để chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động

Để sắp xếp người lao động làm việc khác phù hợp với người lao động sau khi điều trị tai nạn lao động phải đáp ứng hai điều kiện

Thứ nhất, Người lao động sau khi điều trị tai nạn lao động còn tiếp tục làm việc.

Theo đó, nếu sau khi điều trị tai nạn lao động, căn cứ theo hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký kết. Hợp đồng lao động có thể chấm dứt nếu hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng hoặc một trong hai bên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 35, Điều 36 Bộ luật lao động 2019.

Thứ hai, Kết luận của Hội đồng giám định y khoa có đề cập đến việc phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động sau điều trị tai nạn lao động.

Khoản 8 Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động nêu rõ, người sử dụng lao động có trách nhiệm: “Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc”.

Theo đó, căn cứ theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa, nếu kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động có đề cập đến việc phải sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động bị tai nạn lao động sau khi họ điều trị, phục hồi chức năng, tiếp tục trở lại làm việc thì lúc này người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chuyển người lao động làm công việc khác.

* Lưu ý: Khi sắp xếp người lao động làm công việc khác phù hợp nhưng khác với nội dung hợp đồng lao động đã ký kết thì hai bên phải tiến hành thỏa thuận lại nội dung công việc, mức lương và các nội dung khác theo hợp đồng (nếu có). Nếu thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới; Nếu không thỏa thuận được thì căn cứ theo quy định tại Điều 33 Bộ luật lao động 2019, các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

  1. Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động

Căn cứ Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP, Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:

2.1. Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;

2.2. Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;

2.3. Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

  1. Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp được tiến hành theo trình tự như sau:

Tại Điều 15 Nghị định 88/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Bước 1. Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 14, Nghị định 88/2020/NĐ-CP cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bước 2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

Bước 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.

VĂN THIỆN

Nguồn: Phổ biến pháp luật lao động Trà Vinh

Share Button

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *




THÔNG BÁO MỚI
VIDEO VIỆC LÀM

Ngày hội Việc làm TVU năm 2023