Trung tâm Dịch vụ Việc làm - Trường Đại học Trà Vinh được dự án V2work hỗ trợ phát triển, đồng tài trợ bởi Hội đồng chung Châu Âu (EU) trong chương trình Erasnus+, với hợp đồng số 586252-EPP-1-2017-1-ES-EPPKA2-CBHE-SP
159 Lượt xem

DOANH NGHIỆP NỢ LƯƠNG, KHÔNG ĐÓNG (TRỐN ĐÓNG) BẢO HIỂM XÃ HỘI BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG

Hành vi nợ lương và trốn đóng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phổ biến những quy định của pháp phuật lao động giúp doanh nghiệp, người lao động nắm rõ, thực hiện

1. Quy định về việc trả lương cho người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, về nguyên tắc trả lương có nêu:

 Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.

Và Căn cứ khoản 4 Điều 97 BLLĐ năm 2019 (kỳ hạn trả lương) có quy định:

“4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”

=> Như vậy, khi trả lương cho người lao động, người sử dụng lao động cần đảm bảo trả lương theo đúng nguyên tắc và đúng quy định về kỳ hạn trả lương theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người sử dụng lao động được phép chậm trả lương cho người lao động, đó là vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Khi đó doanh nghiệp chỉ được chậm lương nhưng không quá 30 ngày.

2. Doanh nghiệp nợ lương thì bị xử phạt như thế nào ?

Căn cứ khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vi phạm quy định về tiền lương như sau:

“2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;……….”

” 5. Biện pháp khắc phục hậu quả

  1. a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;….”

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hành vi nợ lương của người lao động là hành vi vi phạm về tiền lương, công ty sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đồng thời phải trả đủ tiền cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động.

3. Người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi công ty/doanh nghiệp nợ lương ?

– Cách 1: Yêu cầu công ty/doanh nghiệp.

Người lao động có thể trực tiếp gửi đơn yêu cầu đến ban lãnh đạo công ty/doanh nghiệp yêu cầu giải quyết tiền lương.

Cách này ít tốn kém nhất, tuy nhiên nếu công ty/doanh nghiệp đã cố tình nợ lương người lao động một thời gian dài thì việc gửi yêu cầu trực tiếp ban lãnh đạo giải quyết có thể khó khăn hơn.

– Cách 2: Khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Trường hợp công ty/doanh nghiệp từ chối giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết của công ty/doanh nghiệp thì căn cứ theo Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP của Chính phủ, người lao động gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi công ty/doanh nghiệp đặt trụ sở để được giải quyết.

– Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án.

Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động (cấp huyện), sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án.

Căn cứ khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

—————————————————–

1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Căn cứ theo Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:

“1. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

  1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
  2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.”

Như vậy, bảo hiểm xã hội cho người lao động là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

2. Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định.

Đóng bảo hiểm xã hội là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo tỷ lệ % nhất định để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo BHXH.

3. Người sử dụng lao động có được nợ tiền bảo hiểm xã hội (chậm đóng) hay không ?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 (Các hành vi bị nghiêm cấm), Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“ 2. Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”

Như vậy, theo khoản 2 Điều 17 Luật BHXH năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi pháp luật đặc biệt nghiêm cấm

Và theo quy định tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014:

Người sử dụng lao động có thể chậm đóng BHXH nhưng chỉ được chậm tối đa 29 ngày so với thời hạn quy định. Nếu nợ tiền đóng bảo hiểm từ 30 ngày trở lên, người sử dụng lao động sẽ bị tính lãi chậm đóng và bị xử lý vi phạm về hành vi chậm đóng BHXH.

Với hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, ngưởi sử dụng lao động có thể bị cơ quan Bảo hiểm xã hội (Trung ương hoặc tỉnh) thanh tra chuyên ngành (Theo Điều 5 và Điều 7 Nghị định 21/2016/NĐ-CP của Chính phủ).

4. Mức phạt đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Có hai hình thức xử phạt đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bị thanh tra đó là: Xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự

* Đối với mức phạt hành chính:

Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

Người sử dụng lao động là cá nhân nợ tiền bảo hiểm quá thời hạn quy định sẽ bị phạt 12% – 15% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 75 triệu đồng.

Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn gấp đôi với mức từ 24% – 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng (theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ).

Lúc này, ngoài việc phải đóng đủ số tiền BHXH chưa đóng, doanh nghiệp còn phải đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội còn nợ và phải đóng thêm một khoản tiền lãi chậm đóng cho cơ quan BHXH.

* Đối với mức phạt hình sự:

Mức phạt đối với người sử dụng lao động tái phạm các hành vi vi phạm liên quan đến BHXH đặc biệt là trốn đóng BHXH theo luật nặng hơn rất nhiều so với vi phạm lần đầu (Tùy theo mức độ vi phạm).

5. Người lao động phải làm gì để bảo vệ quyền lợi cho chính mình.

Trước tiên để biết doanh nghiệp có đóng, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho chính mình hay không, người lao động cần phải cài ứng dụng VSSID để theo dõi, kiểm tra việc doanh nghiệp có tham gia đóng các loại bảo hiểm cho chính mình hay không.

Ảnh: nguồn Bảo hiểm Việt Nam

 

Trường hợp công ty không đóng BHXH, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người lao động cần thực hiện các cách giải quyết sau đây:

– Cách thứ nhất: Người lao động gửi đơn khiếu nại đến ban giám đốc công ty, tổ chức công đoàn công ty. Khi đó, người lao động yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cho mình để xem xét lại hành vi không nộp tiền BHXH.

– Cách thứ hai, Người lao động khiếu nại đến chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để được cơ quan này bảo vệ quyền lợi cho chính mình (Theo khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định các trường hợp tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải thì tranh chấp về bảo hiểm xã hội không cần phải thông qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên lao động cấp huyện, thị xã, thành phố.

VĂN THIỆN

Nguồn: Phổ biến pháp luật lao động Trà Vinh

Share Button

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *




THÔNG BÁO MỚI
VIDEO VIỆC LÀM

Ngày hội Việc làm TVU năm 2023