Trung tâm Dịch vụ Việc làm - Trường Đại học Trà Vinh được dự án V2work hỗ trợ phát triển, đồng tài trợ bởi Hội đồng chung Châu Âu (EU) trong chương trình Erasnus+, với hợp đồng số 586252-EPP-1-2017-1-ES-EPPKA2-CBHE-SP
4638 Lượt xem

Sinh viên khởi nghiệp và những câu chuyện thực tế

Không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng, nhiều sinh viên vẫn có thể hiện thực giấc mơ khởi nghiệp. Một số người thành công, số khác thất bại nhưng tất cả đều cho rằng, startup – thực tế không “màu hồng” như trong tưởng tượng.

Ý tưởng có thể không mới

Hầu hết sinh viên khởi nghiệp từ những ý tưởng nhỏ, qua quan sát hoặc xuất phát từ sở thích của bản thân. Đa phần các ý tưởng đó không mới nhưng mỗi startup lại biết cách tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Nguyễn Việt Hùng (sinh viên năm 2, Đại học FPT) khởi nghiệp cách đây hơn 1 năm nhưng đã xây dựng được hệ thống lớp dạy thiết kế đồ họa với doanh thu hơn 200 triệu đồng và thu hút hàng trăm học viên mỗi tháng. Hùng theo đuổi mô hình giáo dục bởi đam mê hội họa, thiết kế từ nhỏ và chịu ảnh hưởng nhiều từ chính môi trường Đại học FPT, nơi cậu đang theo học. Giữa hàng trăm nghìn lớp dạy thiết kế đồ họa khác, Hùng tạo khác biệt cho sản phẩm của mình nhờ giá tốt, chương trình học căn bản đề cao tính ứng dụng, hướng đến đối tượng khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên.

 

Nguyễn Việt Hùng khởi nghiệp thành công với lớp dạy thiết kế đồ họa.

Vốn có thể không có

Hùng hay nhiều sinh viên khác đều khởi nghiệp từ số vốn rất ít ỏi hoặc hoàn toàn không có vốn. “Mình đánh liều đi vay khoảng 10 triệu để thuê phòng học, mua sắm bàn ghế thiết bị với suy nghĩ “Nếu thất bại thì đi làm thuê để trả nợ” Hùng kể. Tuy nhiên, tất cả những người khởi nghiệp đều cho rằng có vốn còn may mắn hơn nhiều so với việc thất bại một lần và vướng phải nợ nần.

Đỗ Tiến Hưng, cựu sinh viên ĐH FPT hiện đang là CEO công ty phần mềm, chia sẻ trong buổi nói chuyện với các sinh viên khóa dưới về hành trình khởi nghiệp của mình. Không những không có vốn, Hưng còn nợ ngân hàng lên tới 200 triệu đồng do thất bại trong kinh doanh trước đó. Để duy trì cuộc sống và có tiền trả nợ, Hưng phải làm thêm đủ công việc, mỗi ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng, ròng rã trong suốt một năm trời. Sau đó, cậu làm thêm nhiều dự án, tích lũy kiến thức và mở rộng các mối quan hệ để khởi nghiệp lần thứ hai và thành công.

Các startup trẻ chia sẻ kinh nghiệm và câu chuyện khởi nghiệp của mình trong sự kiện tại trường ĐH FPT.

Khởi nghiệp là hành trình vất vả

Khởi nghiệp không phải một cuộc chơi mà là một hành trình rất vất vả, đòi hỏi lòng đam mê, kiên trì và vượt khó đến cùng. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện nhưng biến cố bất ngờ khiến Đinh Văn Quang (sinh viên Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic) phải xa nhà, đi làm thuê để có tiền sinh sống và theo đuổi việc học. Cậu sinh viên làm đủ mọi nghề đến nỗi người hốc hác mà hàng ngày vẫn chỉ dám ăn cơm với nước mắm để dành tiền tự kinh doanh, mong ước thoát nghèo. Khi khởi nghiệp, trong tay Quang chỉ có vài trăm nghìn đồng, một chiếc điện thoại và chiếc xe máy cũ làm “vốn”. Hàng ngày, Quang đều tự mình đóng hàng, chuyển hàng, tính toán chi tiêu tiết kiệm nhất có thể.

Khác với Quang, Ngô Quang Huy (cựu sinh viên Khối Liên kết quốc tế, ĐH FPT) được gia đình tạo điều kiện để có việc làm tại công ty lớn ngay sau khi tốt nghiệp. Nhưng Huy đã từ chối, anh chọn khởi nghiệp. Nhớ lại những ngày đầu, Huy kể: “Thay vì ổn định với một vị trí công chức, mình bắt đầu những ngày tháng ròng rã nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng. Trời nắng như đổ lửa hay mưa to gió lớn, chỉ cần khách hàng gọi, mình luôn sẵn sàng lao ra đường. Cơm áo gạo tiền, cuộc sống của bản thân và gia đình, trả lương nhân viên,… tháng nào cũng từng đó nỗi lo khiến mình trăn trở.”

Khởi nghiệp chưa từng và sẽ không bao giờ là giấc mơ “màu hồng” về những CEO thành công và các công ty triệu đô. Quá trình này rất khó khăn, nhiều người bỏ cuộc giữa chừng và chỉ có ai thực sự đam mê, kiên trì mới có thể theo đuổi đến cùng.

Cuộc thi Start – up Uni 2016 do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao (HBI), Quỹ Đầu tư FPT Venture, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tạo sân chơi để thực hoá giấc mơ khởi nghiệp, khát vọng đổi thay của những người có đam mê, ý tưởng hay. Cuộc thi dành cho các giảng viên, cán bộ, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Xem thêm tạiwebsite hoặc liên hệ qua email: startupuni@fpt.edu.vn.

Theo Dân trí

Nguồn : http://daihoc.fpt.edu.vn/sinh-vien-khoi-nghiep-va-nhung-cau-chuyen-thuc-te/

Share Button

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *




THÔNG BÁO MỚI
VIDEO VIỆC LÀM

Ngày hội Việc làm TVU năm 2023